Vì sao Tết Trung thu là ngày 15/08 Âm lịch hằng năm?
Tết Trung thu diễn ra vào ngày Rằm tháng 8 (ngày 15/8 Âm lịch) hàng năm. Thời điểm này thuộc giữa mùa thu và dân gian tin rằng đây là ngày trăng tròn, sáng và tươi đẹp nhất. Dịp Trung thu còn trùng với mùa thu hoạch trong văn hóa lúa nước.
Ngày Tết Trung thu có rất nhiều tên gọi
Tết Trung thu ở Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau, mỗi tên mang những ý nghĩa và biểu trưng riêng biệt:
Tết Rằm tháng Tám: Cách gọi thể hiện về ngày Tết, mùa lễ hội diễn ra vào Rằm tháng 8 Âm lịch.
Tết Trung thu: Tên gọi thể hiện thời điểm Tết diễn ra vào giữa mùa Thu.
Tết trông Trăng: Tên gọi gợi nhắc đến hình ảnh, hoạt động ngắm trăng trong đêm hội.
Tết Đoàn viên: Tết Trung thu còn mang ý nghĩa về sự đoàn tụ, khi các thành viên gia đình cùng sum họp, uống trà và thưởng trăng cùng nhau.
Tết Thiếu nhi: Người Việt quan niệm Tết Trung thu được dành riêng cho thiếu nhi với ý nghĩa mang đến niềm vui cho các bé.
Trung thu là Tết đoàn viên và là dịp ngắm trăng tiên đoán
Trung thu là dịp gia đình đoàn viên, sum họp cùng ăn bánh, thưởng trà, ngắm trăng. Đây còn là lúc để người xưa ngắm trăng và tiên đoán mùa màng cũng như vận mệnh của đất nước.
Nếu trăng màu vàng là hình ảnh dự báo cho một mùa tằm tơ tốt đẹp. Trường hợp trăng màu xanh hoặc lục sẽ là điềm báo cho thiên tai. Nếu trăng màu cam sáng thì đất nước sẽ càng thịnh vượng.
Phong tục Tết Trung thu ở Việt Nam không thể thiếu
Đêm hội trăng rằm tháng 8 ở Việt Nam gắn với nhiều hoạt động đặc sắc, mang đến cho trẻ nhỏ niềm vui háo hức cùng những kỷ niệm tươi đẹp khó quên:
Tục rước đèn Trung Thu
Tết Trung thu đến gần, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị cho các bé những chiếc đèn lồng rực rỡ, đẹp xinh. Đây là món đồ chơi không thể thiếu để các em tham gia phong tục rước đèn Trung thu được tổ chức ở trường hoặc thôn xóm.
Múa lân rộn ràng
Không khí Tết Trung thu càng thêm sôi động qua tiếng trống rộn ràng của các buổi múa lân. Hoạt động múa lân Trung thu thường được diễn ra trong đêm hội vào ngày 14, 15, 16.
Bày mâm cỗ trông Trăng
Trong dịp Tết Trung Thu, mỗi gia đình Việt đều trang hoàng mâm cỗ với bánh kẹo, hoa quả như: bưởi, thị, hồng, quả na, dưa hấu... Một số nơi sẽ trang hoàng mâm cỗ Trung thu ấn tượng với những hình thù độc đáo được tạo từ trái cây, bánh nướng. Mâm cỗ trung thu không chỉ dùng để cúng trăng mà còn để tế trời đất, tổ tiên mong mọi sự an lành, viên mãn.
Làm bánh Trung thu
Bánh trung thu là biểu tượng của sự đoàn viên, phúc lợi và đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi dịp Tết trăng rằm. Ngày nay, bánh Trung thu có đa dạng mẫu mã với thành phần nguyên liệu phong phú, mang đến cho mỗi người nhiều sự lựa chọn, từ thưởng thức đến biếu tặng. Ngoài ra, việc tự làm bánh trung thu truyền thống cũng là lựa chọn được yêu thích của nhiều gia đình khi có dịp quây quần bên nhau.
Làm đồ chơi chủ đề Trung thu
Không khí ngày Tết Trung thu càng thêm rực rỡ với đủ loại đồ chơi được bày bán ở cửa hàng, từ trống, mặt nạ đến đèn ông sao, đầu sư tử… Một số gia đình, địa phương còn chế tạo những món đồ chơi Trung thu sống động, đa dạng kích cỡ để hưởng ứng mùa Tết đoàn viên.
Hát trống quân
Một số địa phương ở miền bắc vẫn tồn tại phong tục hát trống quân trong đêm hội trăng rằm. Phong tục này đã có từ lâu đời, là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ để vui chơi và kén bạn trăm năm.
Tặng quà Trung thu
Nhân dịp Trung thu, mọi người thường biếu tặng nhau những món quà để thể hiện sự quan tâm và gắn kết tình thân. Món quà Trung thu phổ biến nhất được tặng là bánh trung thu và đèn lồng cho trẻ nhỏ.
Phá cỗ Trung thu dưới ánh trăng đêm rằm
Vào đêm trăng rằm, mọi người cùng nhau phá cỗ Trung thu và thưởng thức hương vị của các loại bánh kẹo, trái cây đã bày biện. Đây là hoạt động được nhiều người mong đợi, cả trẻ nhỏ lẫn người lớn với khoảnh khắc đầm ấm, sum vầy bên mâm cỗ.
Tổng hợp