Thiên chức của Nhà giáo trong đổi mới giáo dục đào tạo

DLA

Với nhiều biến đổi của dòng chảy lịch sử, hình ảnh người thầy trong ấn tượng của mỗi người dần thay đổi theo chiều hướng vốn có của nó. Từ thực tế cuộc sống, sự đổi mới của giáo dục và nhà trường trong bối cảnh 4.0 đặt ra thêm những yêu cầu ngày càng cao đối với người làm giáo dục, đặc biệt đòi hỏi người thầy phải có thêm nhiều vai trò và chức năng mới trong sự nghiệp giáo dục đào tạo.

Tuy vậy chúng ta vẫn phải nắm vững cái gốc nhà giáo, đó là tình thương, là trách nhiệm vô bờ bến với từng học trò của mình. Lấy sự thành công, thành nhân trong học tập, trong cuộc sống của từng học trò là niềm vui là niềm tự hào của người thầy. Ngược lại, nỗi đau, niềm ray rứt canh cánh trong lòng khi có đứa học sinh chưa tốt, còn ham chơi không ham học và sau này em ấy sẽ ra sao? Trong đó có phải có trách nhiệm dạy dỗ của mình?

data

 

Giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà còn là cách làm người, cách xử sự, giao tiếp với nhau, cách sống như các nhà giáo đáng kính của chúng ta, từ giáo dục thời phong kiến đến giáo dục thời công nghiệp 4.0 hiện nay. Giáo dục còn là đường lối để phát triển cho cả dân tộc, đưa dân tộc đến đời sống chất lượng cao, mọi người đều được hạnh phúc. Nền giáo dục tùy thuộc vào chất lượng đào tạo từ trường học. Chất lượng đào tạo của trường học dựa trên nền tảng đội ngũ thầy cô. Rõ ràng, thầy cô từ bậc học mẫu giáo cho đến tiểu học, trung học, đại học và cao học như những nấc thang, nhịp cầu để từng trò vượt qua cánh cửa phong ba, bão táp của trường đời vượt qua khó khăn từ chính bản thân mình vững bước tiến vào cuộc sống.

Nhà giáo - tấm gương học tập, lao động và đổi mới sáng tạo

“Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam được thử thách, tôi luyện qua hàng ngàn năm lịch sử trở thành một nét đẹp văn hóa. Đứng trước những tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, vị trí người thầy, vị trí học trò cũng ít nhiều có sự chuyển biến, thay đổi. Thực tế, vị thế của người thầy trong xã hội hiện nay đã không còn giữ được sự tôn nghiêm vốn có, đã bị phai nhạt đi rất nhiều và cái đạo của người trò cũng vậy. Theo đó, sự trân trọng, tôn kính người thầy cũng bị suy giảm.

Trước hết, muốn lấy lại vị thế của người thầy, cần phải phân định rõ ràng “thầy phải ra thầy – trò phải ra trò”; “trường ra trường – lớp ra lớp”. Mỗi khi “thầy ra thầy” thì tự khắc “trò sẽ phải ra trò”. Khi đó, trật tự trong giáo dục sẽ được phân định rõ ràng và vị trí của người thầy sẽ được kính trọng và ở một tầm nhất định.

Để làm được điều đó, đòi hỏi người thầy không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, đạo đức, lối sống và ngay cả cách cư xử thường ngày. Người thầy cần không ngừng bồi đắp sức lực, trí tuệ và lòng yêu nghề, tận tâm tận lực với nghề; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, gắn bó mật thiết với cộng đồng, gần gũi, yêu thương chăm sóc học sinh…; thật xứng đáng “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”.

 Trong nghề “dạy học”, việc học tập của thầy còn mang ý nghĩa như một năng lực nghề bởi chức năng giáo dục ngày nay được nhấn mạnh đến việc dạy cho học sinh cách học. Kinh nghiệm và cách học của người thầy sẽ là nền tảng để thấu hiểu những khó khăn, những cản trở học tập của học sinh, từ đó, người thầy thực hiện được vị thế vốn có của mình là định hướng, dẫn dắt học sinh để chinh phục tri thức, học cách học và tư duy trong học tập.

Nhà giáo – nhà giáo dục chuyên nghiệp

Hơn lúc nào hết, trong thời đại hội nhập, cạnh tranh khốc liệt, công nghệ thông tin bùng nổ, trí tuệ chất xám, tư duy quyết định đã và đang đòi hỏi, đặt ra cho ngành giáo dục nói chung và từng bậc học nói riêng nhất là bậc đại học, cao học nhanh chóng đổi mới nội dung dạy và học. Nội dung chương trình đào tạo nên xây dựng theo hướng tích hợp và theo cấu trúc mô đun giữa kiến thức chuyên môn và các môn thực hành. Hơn thế nữa, người thầy nên tìm kiếm và xây dựng những trải nghiệm giáo dục có ý nghĩa như cho các em giải quyết các vấn đề trong tình huống thực tế và cho thấy họ đã sẵn sàng khi có được những ý tưởng lớn, kỹ năng mạnh mẽ và lối suy nghĩ nhanh nhạy.

Ngoài ra, điều quan trọng là cần hình thành cho sinh viên một đời sống tinh thần phong phú, tránh những lệch lạc trong suy nghĩ, trong hành động. Nhưng trên thực tế, còn nhiều nhà giáo dạy học sinh, sinh viên đơn thuần là nhồi nhét nhiều kiến thức nhưng ít chú trọng về năng lực nghiên cứu, khám phá, sáng tạo thực hành; chú trọng về năng lực thành công hơn thành nhân để cuối cùng sản phẩm giáo dục được đào tạo không hoàn thiện, còn nhiều lỗi, nhiều khuyết tật, chỉ biết kiến thức nhưng đối nhân xử thế rất yếu, “Tri tốt nhưng kém “Hành" và không được rèn luyện để làm “Người".

Trong “biển học” mênh mông đẩy biến động đổi mới, có một số kiến thức hôm qua là đúng nhưng hôm nay đã sai. Xưa thế giới vạn vật, cát, đá, đất, cây cối...được xem là vô trị, vô giác nhưng bây giờ đã được chứng minh là hữu trị, hữu giác. Những vật thể ấy cũng tồn tại, vận động, biến đổi không ngừng do tác động bên ngoài (môi trường, bối cảnh) và do tự thân nó phải vận động để thích ứng. Rõ ràng phải nhìn mọi hiện tượng, sự vật trong sự vận động – phát triển chứ không phải đứng yên và chúng cũng có những cảm ứng, cảm giác trước biến đổi khí hậu, trước sự tác động, can thiệp của con người. Trong quy luật phát triển ấy, hơn ai hết nhà giáo càng phải năng động tự đổi mới, và phải đi trước một bước. Phương pháp dạy theo kiểu "Thầy nói trò nghe, trò ghi chép một cách tuyệt đối" không nên mà người thầy phải biết cách phối hợp giữa phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp hiện đại. Trong thời đại công nghiệp 4.0 với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giữa dạy và học là sự cùng vận động, cùng nối kết với tư duy của truy tìm, khám phá, sáng tạo, thực nghiệm, phản biện... Đó là sự đào luyện, sự kích thích thức tỉnh tư duy từng người học, nhóm học và cả lớp học với mẫu số chung là tư duy phản biện hay tư duy đặt câu hỏi để cho biết rằng người học biết gì và không biết gì? Cấp độ hiểu vấn đề học ở mức nào? Bộc lộ các ý tưởng chính kiến của mình bằng luận chứng trong phát biểu, trong bài viết cụ thể có mạch lạc, logic không? Rất nhiều kiến thức phổ thông cho mọi người đều đã được nằm trong sách giáo khoa, Intemet, vấn đề đặt ra không còn là biết gì? Mà là hiểu như thế nào? Vận dụng ra sao? Điều người trò chờ đợi là phương pháp mới của người dạy. Phương pháp này đòi hỏi người thầy trao đổi, chia sẻ với trò và cũng phải học, cùng tư duy với học sinh, sinh viên của mình.

Nhà giáo – người bạn thân

Rất nhiều thầy cô thường than phiền về sự không nghe lời của học trò hay sự khó khăn trong việc tương tác với các em và kết luận là “không thể nào hiểu nổi chúng nó”. Thực tế, giữa thầy cô và học trò lúc nào cũng có sự khác nhau thế về thế hệ,về quan niệm sống và nó chính là nguyên nhân khiến việc kết nối trở nên khó khăn. Học trò thích những người thầy cô trẻ không phải vì họ “trẻ” họ tràn trề sức sống mà là vì những thầy cô đó có lối suy nghĩ và hành động gần như họ. Ví dụ như chơi Tiktok, quay clip ngắn và biết về các xu hướng đang diễn ra. Nếu như một người thầy lớn tuổi cũng làm điều đó sẽ làm họ thích thú và chắc chắn sẽ yêu mến hơn cả những thầy cô trẻ khác.

Thời đại thay đổi, xã hội tiến bộ, rất nhiều giá trị truyền thống cần lưu giữ nhưng các phương pháp mới cũng cần được áp dụng. Đã qua rồi lối giáo dục áp đặt, thế hệ mới không chỉ phải học, hiểu mà còn phải biết phân tích và vận dụng vào thực tế. Do đó người thầy không chỉ là người cung cấp kiến thức mà còn phải nắm giữ thêm những cách thức hiệu quả để giáo dục học trò. Với cách nhìn vấn đề như vậy, các thầy cô cần phải chủ động hòa mình với thế hệ trẻ, hiểu được cách các em suy nghĩ, những điều các em quan tâm và sự yêu thích của các em. Từ đó xây dựng những tình huống, những ví dụ dễ tiếp cận, những giờ thực hành thú vị, dễ nhớ, dễ gây ấn tượng và có thể áp dụng được ngay vào cuộc sống của các em.

Nhà giáo – người kết nối

Sự gắn kết giữa học trò và giáo viên tỉ lệ nghịch theo sự lớn lên của các em. Các trẻ nhỏ ở trường mầm non có sự ỷ lại lớn đối với những cô nuôi dạy trẻ nhưng đối với các em ở các lớp trung học và đại học, sự ỷ lại này càng mờ nhạt. Càng lớn mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh ngày càng giảm sút, không khí học tập trở nên nặng nề hơn và học sinh phải tiếp xúc với số lượng giáo viên nhiều hơn. Tất cả việc này khiến việc tạo mối liên kết giữa hai bên trở nên khó khăn hơn. Hơn thế nữa, ở lứa tuổi dậy thì các em hiếm khi dựa vào thầy cô khi bị đe dọa, đau khổ hoặc khó chịu. Tuy nhiên, các nghiên cứu nước ngoài cho thấy chỉ cần được một giáo viên quan tâm và hỗ trợ là đủ để đem lại nhiều ảnh hưởng tích cực đến các em. Sự ảnh hưởng này không chỉ làm sợi dây gắn kết giữa thầy cô và các em chặt chẽ hơn mà còn ảnh hưởng sự gắn kết giữa các em và nhà trường. Nó làm cho các em tin tưởng vào nhà trường hơn cũng như cảm nhận được sự bảo vệ và ủng hộ từ nhà trường.

Kết luận

Không thể phủ nhận công lao và tầm quan trọng của nhà giáo trong tất cả các nền văn hóa và thời đại. Tuy nhiên trong xã hội ngày nay ngày càng xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc liên quan đến danh tiếng và lòng tin đối với nhà giáo, cho thấy đã có sự lệch lạc trong thiên chức nhà giáo hiện đại. Nhà giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn phải giữ vai trò chiếc cầu Kiều, con đò ngang giúp thế hệ tiếp theo vững vàng ra biển lớn. Như vậy, việc trao dồi kiến thức, nghiên cứu và vận dụng các phương pháp dạy và học tiên tiến là không đủ mà còn phải đảm nhận cả trách nhiệm làm tấm gương soi sáng cho các em. Tấm gương về đạo đức, về lối sống, về cách cư xử hàng ngày. Mặt khác, một người thầy tốt sẽ làm cho các em tìm thấy niềm vui trong học tập mà không phải đặt nặng áp lực của việc thi cử, điểm số lên các em. Thầy cô phải có nhiệm vụ giúp đỡ các em nhận thức sự quan trọng của việc học, tại sao phải cố gắng học tập và cả việc học như thế nào mới hiệu quả. Tóm lại, người thầy trong giai đoạn 4.0 cần càng nhiều trách nhiệm và đảm nhận nhiều vai trò hơn nữa vì đây là một thời đại dễ lầm lỗi cho cả thầy lẫn trò khi có quá nhiều cám dỗ và áp lực.

PGS.TS Đặng Thị Phương Phi

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An