Cân nhắc chọn môn

DLA

          Quy chế Thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 cho phép thí sinh chọn tới 8 môn để thi. Điều này giúp thí sinh chọn được môn thi phù hợp khả năng, nguyện vọng và tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường. Tuy nhiên, thí sinh nên cân nhắc và chọn từ 4 – 5 môn thi để ôn tập cho tốt.

Tối thiểu 4 môn

          Theo Quy chế, thí sinh bắt buộc thi 4 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, tùy vào mục đích xét tuyển, thí sinh chọn thêm 4 môn tự chọn khác.           Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM, cho biết: “Thí sinh có thể đăng ký dự thi hết 8 môn. Tuy nhiên, các bạn cần cân nhắc để có kết quả tốt nhất. Thí sinh chỉ nên chọn số môn thi hợp lý, không nên chọn thi quá nhiều môn kết quả ôn tập sẽ bị phân tán và kém hiệu quả. Việc có nhiều lựa chọn giúp thí sinh có cơ hội chọn môn mình có thế mạnh nhất để có thể tập trung ôn thi và đạt kết quả tốt nhất. Chọn quá nhiều môn, kết quả sẽ bị phân tán, giảm cơ hội trúng tuyển”.

          TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định, cho rằng, năm nay, thí sinh chỉ tham dự một kỳ thi nhưng có tới 2 mục đích. Ngoài xét tuyển tốt nghiệp THPT, thí sinh còn phải cạnh tranh điểm số để giành suất vào các trường đại học, cao đẳng nên kết quả thi hết sức quan trọng. Thí sinh chọn quá nhiều môn, đầu tư dàn trải sẽ dẫn đến kết quả thi các môn thấp đều. Lúc đó, thí sinh sẽ không đậu được trường nào. Để đảm bảo đầu tư ôn luyện tốt, thí sinh chỉ nên chọn tối đa 5 môn.

          Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh của Cơ quan Đại diện Bộ GD – ĐT tại TP. HCM, cũng khuyên thí sinh chọn không quá 5 môn. Ngoài những khối thi truyền thống, năm nay, các trường bổ sung các tổ hợp khác. Nhưng các tổ hợp mới chủ yếu cũng chỉ xoay quanh các môn thi như cũ. Các bạn không nên nôn nóng chạy theo số lượng mà gây khó tập trung ôn luyện. Học sinh nào có nguyện vọng chọn những ngành thiên về lĩnh vực khoa học tự nhiên có thể đăng ký thêm môn Hóa học. Những bạn chọn ngành thiên về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đăng ký thêm môn Hóa học, Sinh học, còn thiên về khoa học xã hội đăng ký thêm môn Lịch sử, Địa lý… Ông Cường nhấn mạnh: “Dù có rất nhiều tổ hợp môn thi nhưng quan trọng nhất là thí sinh căn cứ vào thực lực, sở trường để đăng ký. Nếu các bạn vì muốn có nhiều tổ hợp để xét tuyển mà đăng ký thi cả những môn mình không thực sự vững kiến thức thì khó đạt được kết quả như ý. Trong khi đó, chọn đúng môn học sở trường, phù hợp nguyện vọng xét tuyển và đầu tư ôn luyện tốt giúp nắm chắc cơ hội hơn”.

Chủ yếu kiến thức lớp 12

          Theo Quy chế Thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, đề thi năm 2015 chủ yếu là chương trình lớp 12. GS. TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT, cho biết, Hội đồng ra đề thi ngoài đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, còn có cán bộ soạn thảo đề thi và cán bộ phản biện đề thi là giảng viên các trường đại học, cao đẳng, nghiên cứu viên các viện nghiên cứu, giáo viên trường phổ thông.
          
          Đề thi năm 2015 vẫn theo hướng mở, tăng cường việc vận dụng kiến thức của học sinh, không bắt học sinh phải học thuộc nhiều và cấu trúc đề thi bảo đảm cả kiến thức cơ bản lẫn nâng cao, đáp ứng yêu cầu phân loại thí sinh. Đề thi những năm gần đây, nhất là đề thi các môn khoa học xã hội, đã được ra theo hướng mở để tạo điều kiện cho thí sinh huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của mình vào việc làm bài. Về lâu dài, đề thi sẽ thay đổi theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, tức là theo bài thi tổng hợp.

          Liên quan đến vấn đề cụm thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Quy chế mà Bộ ban hành đã quy định rõ 2 loại cụm thi. Cụm thi liên tỉnh cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cụm thi này tổchức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, thành do trường đại học chủ trì, phối hợp với Sở GD – ĐT. Cùng với đó là cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, sẽ được tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD – ĐT chủ trì, phối hợp với trường đại học. Hiện nay, Bộ đã làm việc với Ban chỉ đạo và các tỉnh ở Tây Nam Bộ,Ban chỉ đạo và các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc để chốt danh sách các cụm thi. Sau đó, Bộ GD – ĐT sẽ công bố ngay cho thí sinh và các trường biết, chuẩn bị cho kỳ thi. Mục tiêu của Bộ là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh trong công tác thi cử.

70% thí sinh sẽ trúng tuyển ở nguyện vọng 1 (NV1)

          Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ sẽ căn cứ vào kết quả thi, chỉ tiêu tuyển sinh, các đối tượng ưu tiên… để xây dựng và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng. Trên cơ sở đó, các trường đại học, cao đẳng xây dựng phương án xét tuyển sao cho điểm trúng tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng nói trên.

          Năm nay, mỗi thí sinh sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Với mỗi giấy chứng nhận, các bạn được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành khác nhau của một trường. Sau khi có kết quả thi, trước hết, thí sinh phải cân nhắc chọn một trường mong muốn được vào học nhất nhưng lại phải phù hợp với kết quả thi. Tiếp theo, thí sinh phải lựa chọn tối đa 4 ngành của trường đó để đăng ký theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Ông Ga lưu ý, thí sinh không nên chọn ngành mà mình không muốn học, vì nếu đã trúng tuyển NV1 thì sẽ không được quyền đăng ký nguyện vọng bổ sung.

          Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Nếu có sự cân nhắc thì khả năng trúng tuyển NV1 của mỗi thí sinh rất lớn. Theo tính toán của Bộ, có tới 70% thí sinh sẽ trúng tuyển ở đợt xét tuyển đầu tiên. Sau khi có kết quả thi, thí sinh mới đăng ký xét tuyển nên có cơ sở để lựa chọn ngành trường phù hợp. Đặc biệt, ở đợt xét tuyển đầu tiên trong thời gian 20 ngày, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Thay đổi này sẽ khó khăn hơn cho các trường nhưng thuận lợi hơn cho thí sinh. Thí sinh không trúng tuyển thì mới dùng đến các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung giống hoàn toàn với các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung của năm 2014 nhưng sẽ có nhiều cơ hội hơn. Khác với việc đăng ký xét tuyển NV1, khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể đồng thời sử dụng cả 3 giấy xác nhận kết quả thi để đăng ký vào 3 trường khác nhau. Mỗi trường có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng”.

QUẾ SƠN (Báo Sinh viên Việt Nam)

http://svvn.vn/can-nhac-chon-mon/
NỘP HỒ SƠ TỪ NGÀY 1/4/2015

          Năm nay, thí sinh sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia vào ngày 1 – 30/4/2015. Việc đăng ký dự thi vẫn như các năm trước: Thí sinh đang học sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường THPT hoặc Trung tâm Giáo dục thường xuyên đang theo học. Thí sinh tự do sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại địa điểm do Sở GD – ĐT địa phương quy định.Phiếu đăng ký dự thi cơ bản cũng như các năm trước. Tuy nhiên, sẽ có điểm mới là lựa chọn mục đích đăng ký dự thi: Xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học, cao đẳng hay chỉ xét vào đại học, cao đẳng.